Để kể một câu chuyện thành công cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công thức câu chuyện và khả năng dẫn dắt, lôi cuốn. Điều này đúng cho cả phim truyền hình và nội dung cho thương hiệu. Hãy xem thương hiệu học được điều gì từ những bộ phim “sướt mướt” vẫn làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ.
Bạn đã từng “nản” với chiếc TV vì chuyển kênh nào cũng thấy một em gái Hàn Quốc mắt to tròn khóc lóc nỉ non nhìn theo chàng người yêu đẹp trai đang đắng lòng quay bước? Một bộ phim Đài Loan hơn 300 tập chiếu ròng rã hai năm trời, dàn diễn viên trẻ đẹp dần lão hóa thành già khọm mà vẫn chưa có dấu hiện kết thúc? Một tập phim Ấn Độ dài 45 phút đồng hồ chỉ xoay tới xoay lui cảnh hai nhân vật cãi cọ, bỏ đi, đuổi theo, tiếp tục cãi cọ, bỏ đi, đuổi theo…?
Bạn có từng chép miệng ngán ngẩm: “Chả hiểu sao phim thế mà cũng xem!” để rồi bị vợ, bạn gái, em gái, chị gái, mẹ, bác Hai, cô Tư, thím Sáu lườm cho một cái thật dài?
Thực ra, nguyên nhân khiến người ta “vẫn xem” thể loại phim như vậy rất đáng được tìm hiểu và trả lời một cách nghiêm túc. Nó đặc biệt hữu ích đối với các thương hiệu, những người cũng đang ngày đêm đau đầu để tìm ra cách kể câu chuyện thế nào cho hấp dẫn, thế nào để kết nối được với khán giả, để câu chuyện được khán giả nhớ, được mang đi chia sẻ, được tiếp tục đón chờ hoặc thậm chí, nghiện. Làm thế nào để khách hàng “nghiện” thương hiệu của bạn như thím Sáu nhà bên ghiền phim bộ truyền hình?
1. Kết thúc mở
Theo lý thuyết, phim truyền hình tuyệt nhất không có hồi kết. Xu hướng OE (Open Ending) thay cho SE (Sad Ending) hoặc HE (Happy Ending) một cách viên mãn đang lên ngôi bởi dù các fan có càu nhàu, kêu ca thì OE vẫn tạo được hiệu ứng lâu dài hơn hẳn.
Có người đặt câu hỏi, nói câu chuyện nên “không có hồi kết” liệu có chuẩn không khi Tập Làm Văn từ ngàn đời nay vẫn dạy chúng ta kể một câu chuyện cơ bản phải có đầy đủ ba phần: mở, thân, kết? Nói cho cùng, “không hồi kết” hay “kết mở” cũng là một dạng kết. Tuy nhiên, “kết mở” không đóng sầm cánh cửa của câu chuyện mà cứ để cửa “he hé” để vô số câu chuyện khác tiếp nối sẽ được diễn ra.
Tương tự, sáng tạo câu chuyện thương hiệu cũng cần vô cùng một suy nghĩ “mở”. Với mỗi nội dung, hãy khéo léo lồng vào những chi tiết có khả năng được phát triển thêm hoặc một cái kết lửng lơ để kích thích khán giả. Đôi khi, chính khán giả sẽ là người viết tiếp những câu chuyện tiếp theo.
2. Tình tiết
Trong phim truyền hình, mỗi tập phim đều có những tình tiết điểm nhấn (thậm chí chỉ một tình tiết). Một kẻ thủ ác đang tỉ mỉ lên kế hoạch tiêu diệt con mồi. Một mụ ngực bự lén lút ngoại tình sau lưng ông chồng già giàu có. Điều này gần giống với cách làm nội dung thương hiệu (trừ giết người và ngoại tình, ngực bự thì còn tùy). Đó là, phải luôn luôn tạo ra vô vàn chi tiết, tình huống “điểm nhấn” dây mơ rễ má khác nhau để giữ chân khán giả ở lại với câu chuyện. Những tình huống đó có thể xảy ra ở không gian khác nhau, thời gian khác nhau, có những ý nghĩa khác nhau nhưng đều phải gặp nhau ở một điểm: phục vụ cho mạch truyện và cảm xúc của khán giả.
3. Biến hóa nội dung
Nói chung, môtip của phim nói riêng và các câu chuyện nói chung thường không phải là vô tận (Xem 8 cốt truyện cơ bản). Đối với phim truyền hình, nhai đi nhai lại vẫn là chuyện đẫm nước mắt cuộc tình tay ba, chuyện oan trái mẹ kế – con ghẻ hoặc mẹ chồng – nàng dâu, chuyện cảm động người con gái mạnh mẽ vượt lên số phận… Thế nhưng dân tình vẫn há hốc miệng theo dõi vì mỗi phim, cách thể hiện cốt truyện cũ lại được biến hóa khôn lường. Cô gái tội nghiệp nọ có thể bị mù, bị điếc, bị nghèo hoặc bị bệnh hiểm nghèo, bị lừa tình, bị ép hôn, bị tráo đổi từ khi mới sinh, bị truy sát, bị giết cả nhà hoặc đơn giản là bị… xấu! Hay chàng người yêu đẹp trai của em gái khóc lóc vừa kể bên trên lạnh lùng ra đi có thể do chàng mắc bệnh sắp chết, sắp phá sản, sắp bị mafia thanh toán, chẩn đoán vô sinh, yêu người khác, có người khác yêu nàng hơn, phát hiện ra bố mẹ hai bên hoặc là kẻ thù hoặc là… chàng và nàng chung nhau (chính là anh em ruột thất lạc). Đừng ngại biến hóa, Dương Quá cụt tay trái hay tay phải, Chí Bình cố tình hay sốc thuốc cũng không sao cả.
Không đến nỗi “nhảm” như thế nhưng hãy thêm thắt chi tiết, tùy biến nội dung, mắm muối cho hấp dẫn để một câu chuyện môtip cũ vẫn có thể lôi cuốn công chúng. Cốt truyện của bạn không cần phải là độc nhất vô nhị.
Những câu chuyện giống nhau sẽ được kể với những chi tiết khác nhau, nhân vật khác nhau, dưới những góc nhìn khác nhau, những thời điểm khác nhau. Nó hoàn toàn vẫn có thể gây được hiệu ứng và lan truyền mạnh mẽ. Chẳng thế mà vẫn có trào lưu remake tác phẩm truyền hình đấy sao.
4. Tông giọng thống nhất
Hài là hài. Chính luận là chính luận. Tông giọng (voice and tone) luôn đóng vai trò quan trong các kịch bản. Tông giọng không được thay đổi từ tập này sang tập khác (Hay ít nhất là không nên thay đổi. Ví dụ như một bộ phim trước hài, sau bi thì có thể nhưng ai đó cứ thử làm phim xì teen nói chuyện chính trị xem!). Thương hiệu cũng cần như vậy. Hãy giữ đúng tông giọng riêng và gắn liền nó với nội dung của bạn.
5. On-air liên tục.
Hầu hết phim truyền hình ăn khách thường kéo dài hàng chục, hàng trăm tập. Bằng cách xuất hiện hàng ngày, hàng tháng như vậy, chúng luôn được “sống” trong đời sống thực của khán giả. Tuyệt hơn nữa là “thực” đến mức Giáng Sinh ngoài đời cũng là Giáng Sinh trong phim và đại loại vậy.
Nếu bạn đã có câu chuyện của mình, hãy kể nhiều hơn, thường xuyên hơn, liên tục hơn. Hãy sáng tạo không ngừng nghỉ trong suốt cả năm và nhiều năm. Hãy theo sát mọi khoảnh khắc đáng giá mỗi năm. Hãy thể hiện rằng thương hiệu đang sống trong chính đời sống của khán giả để dần dần, khán giả sẽ vô thức chấp nhận thương hiệu trở thành một phần cuộc sống thường ngày của họ.
(Theo Michael O’Neil – Tổng biên tập nội dung của Weber Shandwick khu vực châu Á Thái Bình Dương.)
Post a Comment